Giỏ hàng

Thông báo tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản (Khóa 10 năm 2021)

 

Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản (gọi tắt là chương trình EPA) được thực hiện từ năm 2012 đến nay theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Triển khai Hiệp đinh VJEPA, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ( trực tiếp là Cục Quản lý lao động ngoài nước) là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình EPA. Sau 8 năm triển khai chương trình (2012-2020), Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với phía Nhật Bản đã thực hiện 9 khóa với chọn 1.920 chỉ tiêu, trong đó 1.340 điều dưỡng, hộ lý đã sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý năm 2021 như sau:

I. Thông tin về chương trình

1. Số lượng: 240 chỉ tiêu;

2. Điều kiện tham gia chương trình:

Công dân Việt Nam có nguyện vọng đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng được các điều kiện sau:

a) Đối với ứng viên hộ lý:

+ Tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (04 năm).

+ Độ tuổi: không quá 35 tuổi (ngày sinh từ 01/01/1986 trở đi)

+ Đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận;

+ Không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Có nguyện vọng được tham gia chương trình và có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật.

b) Đối với ứng viên điều dưỡng:

Ngoài những tiêu chí nêu trên đối với ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng phải có thêm các điều kiện sau:

+ Được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

+ Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 09 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).

3. Quyền lợi của các ứng viên:

Các ứng viên được lựa chọn tham gia chương trình EPA được hưởng các quyền lợi sau:

- Được đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở, học tập và được trợ cấp tiền sinh hoạt phí trong thời gian tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật 12 tháng tại Việt Nam;

- Được đài thọ chi phí vé máy bay, lệ phí visa sang Nhật Bản, vé máy bay về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình (các ứng viên chỉ phải chi trả chi phí khám sức khỏe trước khi đi);

- Được tham gia khóa đào tạo nâng cao miễn phí tại Nhật Bản trong thời gian 2 tháng trước khi đến cơ sở tiếp nhận;

- Vừa học vừa làm với thời gian tối đa 03 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 04 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần) tại các cơ sở dưỡng lão, bệnh viện của Nhật Bản. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý thông thường là: 160.000 - 180.000 yên/tháng.

Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc;

- Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 04. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.

4. Công việc cụ thể của ứng viên

a) Các công việc ở vị trí ứng viên điều dưỡng bao gồm:

- Chăm sóc sinh hoạt thường ngày của người bệnh;

- Chăm sóc theo tình trạng bệnh;

- Cho bệnh nhân ăn;

- Khác:

+ Vận chuyển bệnh nhân;

+ Vận chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm, các loại đơn, phiếu;

+ Tiếp nhận thuốc;

+ Làm vệ sinh phòng bệnh, dụng cụ y tế, vệ sinh dụng cụ vệ sinh, tiêu độc, dọn dẹp;

+ Mang trà, mang cơm và dọn khay cơm;

+ Công việc khác được giao.

b) Công việc cụ thể của ứng viên hộ lý bao gồm:

- Giao tiếp, tạo dựng quan hệ, tư vấn cho người già, người bệnh cần được chăm sóc;

- Quan sát tình trạng tinh thần, sức khoẻ của người già, người bệnh;

- Hỗ trợ sinh hoạt thường ngày tuỳ theo tình trạng tinh thần và sức khoẻ của người già, người bệnh như hỗ trợ di chuyển, tắm, thay đồ, ăn uống, vệ sinh ...;

- Hỗ trợ duy trì và mở rộng quan hệ xã hội (hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí, phục hồi chức năng ...);

- Ghi chép nội dung hỗ trợ và thông báo cho nhân viên khác biết;

- Công việc khác được giao.

II. Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình:

Ứng viên đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ tham gia chương trình. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đăng ký và cam kết tham gia Chương trình (mẫu xem tại đây);

2. Đường link đăng ký online: https://forms.gle/8t2KvLYRXCqXAKuc7

3. Sơ yếu lý lịch của ứng viên có xác nhận của cơ quan chủ quản nơi người đăng ký đang làm việc hoặc của chính quyền địa phương nơi ứng viên đang cư trú (mẫu xem tại đây);

4. Bản sao bằng tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa hoặc cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa có công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp có thể nộp trước bản sao công chứng Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời). Các ứng viên xuất trình bản gốc vào ngày dự tuyển để đối chiếu;

5. Giấy chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài do các bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng dẫn tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT (mẫu xem tại đây). Đề nghị nộp kèm phiếu xét nghiệm Lao, Đờm, Viêm gan B, Giang mai, và HIV;

6. Bản sao chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với vị trí ứng viên điều dưỡng);

7. Giấy xác nhận kinh nghiệm của các cơ sở khám chữa bệnh chứng minh ứng viên có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 09 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh) (đối với vị trí ứng viên điều dưỡng);

8. 04 ảnh cỡ 4 cm x 6 cm (nền trắng, chụp trong vòng 06 tháng) và 02 phong bì thư đã dán tem, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận (địa chỉ người nhận là địa chỉ của ứng viên).

III. Thời gian và địa điểm nhận hồ sơ:

1. Ứng viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hoặc qua đường bưu điện theo địa chỉ sau:

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Địa chỉ: số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

2. Thời gian: từ ngày 15/04/2021 đến ngày 30/10/2021 (trừ Thứ 7, Chủ Nhật và ngày lễ)

Buổi sáng: từ 8h30’ đến 11h30’

Buổi chiều: từ 14h00’ đến 16h30’

Đối với hồ sơ đăng ký gửi qua đường bưu điện sẽ được tính theo dấu bưu điện.

Ghi chú:

+ Hồ sơ dự tuyển được đựng trong túi hồ sơ ghi rõ họ tên, danh mục hồ sơ nộp số điện thoại trực tiếp liên lạc (số điện thoại không nên thay đổi trong suốt thời gian từ khi đăng ký đến khi báo kết quả).

+ Cục Quản lý lao động ngoài nước không nhận hồ sơ nộp hộ, hồ sợ nộp quá hạn và hồ sơ đã nhận không trả lại.

+ Người đăng ký tham gia phải đăng ký vị trí cụ thể là ứng viên điều dưỡng hay hộ lý.

+ Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xác minh hồ sơ của ứng viên. Ứng viên có hồ sơ hợp lệ, đạt tiêu chuẩn sẽ được mời tham gia thi tuyển và phỏng vấn tại Hà Nội.

Hồ sơ không hợp lệ là hồ sơ nộp không đúng hạn, không đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại mục V của thông báo, giấy chứng nhận sức khỏe sai mẫu hoặc không đủ các phần xét nghiệm theo quy định, thiếu phong bì, thiếu tem, không ghi địa chỉ,v.v. hoặc giả mạo các giấy tờ và thông tin

IV. Thời gian và địa điểm thi tuyển:

Căn cứ trên số lượng hồ sơ dự tuyển, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tổ chức 03 đợt thi tuyển vào tháng 6, tháng 9 và tháng 11, thông báo kết quả ngay sau khi thi tuyển.

Thời gian, địa điểm cụ thể sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước và qua đường bưu điện đối với các ứng viên có hồ sơ hợp lệ. Ứng viên kiểm tra danh sách được tham gia thi tuyển trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).

V. Thông báo kết quả tham gia chương trình:

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sẽ thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).

Thông báo trúng tuyển và thủ tục nhập học sẽ được thông báo qua bưu điện đến địa chỉ ứng viên đã cung cấp.

Ứng viên trúng tuyển sẽ nhập học vào tháng 12/2021.

Ứng viên cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 04-3824-9526 (số máy lẻ 513, 511, 106).

Nguồn:

http://www.dolab.gov.vn/New/View2.aspx?Key=6613

 

Contact Me on messenger