Như các bạn đã biết, Nhật Bản đã bỏ Tết truyền thống và đón năm mới theo Dương lịch, trong khi Việt Nam vẫn chia ra làm Tết Tây và Tết Ta. Sau đây, các bạn hãy cùng LOD – Daietsu tìm hiểu về tục lệ đón Tết của người Nhật nhé!
1. 忘年会 (Bounenkai)
Bounenkai ở Nhật cũng tương tự với tiệc Tất niên ở Việt Nam. Đó là tiệc tiễn năm cũ, với khách mời là người thân, bạn bè, những người đã giúp đỡ gia chủ trong một năm đã qua.
2. 仕事納め (Shigoto osame)
Tuỳ theo lịch hằng năm, nhưng thông thường ngày làm việc cuối cùng sẽ rơi vào khoảng ngày 28 tháng 12. Vào ngày này, mọi người thông thường sẽ cùng nhau tổng vệ sinh, gọi là 大掃除 (Oosouji).
3. おせち料理 (O-sechi junbi)
Người Nhật quan niệm không nên làm gì vào những ngày đầu năm. Đó là lý do họ chuẩn bị một phần ăn đặc biệt gọi là O-sechi để khỏi phải nấu nướng gì thêm từ ngày 1 đến ngày 3 tháng giêng. Theo phong tục thời xưa, các cửa hàng sẽ đóng cửa dịp tết do đó bạn phải tự chuẩn bị ở nhà. Thế nhưng ngày nay những cửa hàng vẫn hoạt động bình thường. Do đó mà văn hoá ăn o-sechi cũng đang mai một dần.
(Ảnh https://www.chintai.net/news/2014/12/22/2842/)
4. 年越し蕎麦 (Toshikoshi soba)
Đêm giao thừa (31/12) trẻ em được phép thức khuya và dậy muộn vào ngày hôm sau. Mọi người trong nhà sẽ xem TV, đến nửa đêm đói bụng thì cùng nhau ăn mì Soba. Toshikoshi soba là tên món Soba ăn vào dịp này, tuy nó cũng chỉ là mì Soba thông thường mà thôi. Ăn Soba đầu năm mang ý nghĩa cầu sống lâu như sợi mì, đồng thời các mối quan hệ sẽ vững chắc, bền chặt.
5. 正月の挨拶 (Shougatsu no aisatsu)
Vào đúng lúc đồng hồ điểm 0 giờ, mọi người sẽ trao cho nhau những lời chúc. 新年あけましておめでとうございます。(shin-nen akemashite omedetou gozaimasu) – Chúc mừng năm mới.
今年もよろしくお願いします。(kotoshi mo yoroshiku onegaishimasu) – Năm nay lại xin phiền mọi người giúp đỡ.
Nếu người nhỏ tuổi hơn chúc người lớn tuổi sẽ được nhận tiền lì xì.
6. 年賀状 (Nengajou)
Thiệp năm mới được gửi cho bạn bè cùng những người đã tận tâm hỗ trợ, quan tâm trong năm vừa qua. Thông thường, thiệp sẽ được đi gửi vào ngày cuối năm để sáng mùng 1 có thể đến tay người nhận. Tấm thiệp là lời chúc cá nhân do đó sẽ rất ý nghĩa nếu nhận được thật nhiều thiệp năm mới đầu năm từ tay những người thân yêu đúng không?
7. お雑煮 (O-zouni)
Đây là món súp đặc biệt được ăn vào sáng mùng 1. Món này sẽ được chuẩn bị vào ngày hôm trước. Bên trong O-zouni có Mochi do đó giúp no lâu, có thể ăn thay bữa chính.
8. 親戚への挨拶回り (Shinseki e no aisatsu mawari)
Sáng mùng 1 mọi người ở nhà nghỉ ngơi, đến mùng 2 mùng 3 bắt đầu đi thăm hỏi bà con họ hàng. Đây là cơ hội để giới thiệu người thân gần xa với trẻ con trong nhà và đây là thời điểm trẻ con tụ tập chơi đùa, không những làm không khí trong nhà tươi vui hơn, mà còn để người lớn phát tiền lì xì.
(Ảnh http://fujifilmmall.jp/conversion/column/022dvd-omotenashi.html)
9. 福袋 (Fuku bukuro)
Mỗi cửa hàng ở Nhật sẽ bắt đầu bán túi may mắn vào ngày mùng 2,3 tháng 1. Không biết bên trong túi chứa gì, nhưng có quy tắc rằng món đồ bên trong phải có giá trị hơn giá trị cái túi. Ví dụ, túi trị giá 5000 Yên thì bên trong phải cho khoảng 10,000 Yên. Tất nhiên cũng có trường hợp cho vào túi món đồ không có giá trị do đó gần đây loại fukubukuro có thể thấy được bên trong bắt đầu trở nên phổ biến.
Thông thường vào ngày 5 tháng 1, bên Nhật bắt đầu làm việc lại bình thường.
Nguồn: vn.japo.news