Người lao động cần làm gì để không bị lừa khi xuất khẩu lao động?
Trước hết, cần có cái nhìn khách quan về vấn đề người lao động bị lừa đảo. Để những đối tượng môi giới, cò mồi có đất dụng võ, lỗi một phần cũng thuộc về người lao động. Nhìn chung, tâm lý của người lao động hiện nay là muốn đi nhanh. Tuy nhiên, thực tế đối với xuất khẩu lao động thì cần phải có một thời gian nhất định tuỳ thuộc vào các thị trường cụ thể.
Ví dụ như thị trường Đài Loan ít nhất cũng phải mất 3 tháng, còn đối với thị trường Nhật Bản thì tối thiểu cũng phải từ 6 tháng, thậm chí có thể là 9 tháng mới được đi tuỳ thuộc vào khả năng ngoại ngữ của người lao động. Nắm bắt được tâm lý này của người lao động các đối tượng môi giới sẽ yêu cầu người lao động phải đóng một khoản tiền cao hơn mức quy định để được đi nhanh và với những hứa hẹn là sẽ được làm những công việc nhẹ nhàng và lương cao…Vì vậy người lao động cần hết sức cảnh giác trước những hiện tượng trên.
Hiện nay, theo quy định mới nhất của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, mức chi phí tối đa của thị trường Nhật Bản cho một lao động là 3.600 USD, các thị trường khác cũng có những mức chi phí quy định cụ thể. Mặt khác, trước khi quyết định chọn công ty sẽ đưa mình đi xuất khẩu lao động, người lao động cũng cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về công ty đó.
Bên cạnh đó trên trang web của Bộ LĐTB&XH, Cục Lao động ngoài nước đều có đăng tải rõ ràng các doanh nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lựa chọn những công ty uy tín để đăng ký và nhất thiết không được nghe lời dụ dỗ của những đối tượng bên ngoài để tránh bị lừa dẫn đến tiền mất, tật mang.